Những trục đường chính đã đưa vào sử dụng như Võ Nguyên Giáp, Phong Châu cùng với quy họach Trung tâm hành chính tỉnh và trục đường bắc - nam khiến khu vực Tây Nha Trang đầy tiềm năng trở nên sôi động, sầm uất.
Đầu tư hạ tầng, thay đổi diện mạo phía Tây
Hiện nay cơ sở hạ tầng của TP. Nha Trang phát triển không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của du lịch. Nhận biết được điều này, từ nhiều năm trước, lãnh đạo tỉnh đã tính đến phương án phát triển đô thị về phía tây và định hướng chuyển toàn bộ cơ quan hành chính, các cơ sở giáo dục vào phía tây Nha Trang.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, năm 2007, UBND tỉnh đã xây dựng đồ án Quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu đô thị phía tây Nha Trang (còn gọi là quy hoạch Côn Minh). Khu đô thị này có quy mô 2.032ha, thuộc địa bàn các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) và Diên An, Diên Toàn (huyện Diên Khánh).
Đến tháng 9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Nha Trang đến năm 2025. Quy hoạch đã điều chỉnh, định hướng không gian khu vực phía tây TP. Nha Trang từ khu vực xây dựng mới hoàn toàn thành khu vực cải tạo nâng cấp trên cơ sở khu dân cư hiện tại, cải tạo hệ thống sông phục vụ thoát nước trên cơ sở các sông hiện trạng; đồng thời cho phép lập quy hoạch chi tiết 1/500 để kêu gọi đầu tư, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, phủ kín Khu đô thị phía tây TP. Nha Trang.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, để giải quyết tận gốc vấn đề “giảm tải áp lực cho trung tâm thành phố”, UBND tỉnh đã lập phương án mở rộng thành phố về phía tây, tạo ra quỹ đất khá lớn để tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, các cơ quan hành chính khi chuyển về phía tây sẽ để lại quỹ đất khu vực trung tâm và dọc đường Trần Phú để phát triển du lịch.
Năm 2015 UBND tỉnh đã công bố dự án Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh được xây dựng tại phía nam đường Phong Châu, thuộc xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang). Theo đó, sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích 126ha và các trụ sở trong khu trung tâm hành chính (khoảng 35ha), gồm 101 đơn vị với diện tích xây dựng khoảng 146.000m2. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 5.534 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 2.646 tỷ đồng, chi phí đầu tư các công trình kiến trúc trong khu trung tâm khoảng 2.788 tỷ đồng, còn lại khoảng 100 tỷ đồng thực hiện tư vấn, khảo sát, quy hoạch...
Ngoài ra, việc nạo vét, cải tạo sông Tắc và sông Quán Trường trong tương lai sẽ giải quyết tận gốc tình trạng ngập úng, tạo cảnh quan hai bờ sông để phát triển du lịch. Với thực tế phát triển và quy họach bài bản, dự kiến trong tương lai không xa, khu phía tây Nha Trang sẽ phát triển sầm uất, hiện đại.
Thêm vào đó, theo Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đánh thức tây Nha Trang có sự đóng góp không nhỏ của việc hình thành tuyến đương Cao Bá Quát - Cầu Lùng (nay là đường Võ Nguyên Giáp) và đường Phong Châu. Đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng rộng đến 60m, có chiều dài khoảng 10km, nối TP. Nha Trang với quốc lộ 1A.
Tuyến đường này vừa góp phần giải quyết tình trạng quả tải giao thông của tuyến đường 23 tháng 10, vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án đô thị, hình thành các khu dân cư để giám áp lực chật chội cho TP. Nha Trang trong những năm tới.
Đường Phong Châu có chiều dài toàn tuyến gần 3km, giúp kết nối đường Lê Hồng Phong với các khu đô thị và khu dân cư khu vực phía tây được liền mạch. Trong tương lai còn có trục đường bắc - nam cắt ngang hai tuyến đường này, hình thành trục giao và kết nối các khu vực phía tây Nha Trang, giúp khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.
A.D
Theo Trí Thức Trẻ